Doanh nghiệp giảm lao động,ậpgiảmgiátăngthuếvẫnđứngyêtop cv người dân giảm thu nhập
Theo Bộ Tài chính, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 9 tháng năm 2023 đạt 121.200 tỉ đồng, thấp hơn 7.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 6%. Con số này cũng chỉ mới đạt được 78% dự thu ngân sách năm 2023 (154.652 tỉ đồng). Trong 10 năm qua, đây là năm đầu tiên số thu thuế TNCN trong 3 quý của năm tăng trưởng âm.
Con số này phần nào phản ánh bức tranh kinh tế hiện nay: Thu nhập của người lao động nói chung và người làm công ăn lương nói riêng sụt giảm. Ở chiều ngược lại, giá hàng hóa lại tăng, càng góp phần khiến nguồn thu của họ teo tóp lại.
Khảo sát của Thanh Niêncho thấy các khu chợ truyền thống, siêu thị ở TP.HCM hiện vẫn đang trong tình trạng thưa vắng. Chị Thu Hương (ở Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay hiện lương của chị chỉ còn 60% so với trước và thường xuyên bị trả chậm, nên tết này chắc chắn phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn. "Mới đây giá điện đã chính thức tăng lần thứ hai trong năm nay, hóa đơn điện của mỗi nhà lại thêm một khoản. Rồi chuẩn bị đến dịp tết truyền thống, vé tàu xe, máy bay đều đã tăng cao hơn năm trước. Cái gì cũng tăng, chỉ có lương là giảm", chị Hương nói.
Giá vé tàu xe tăng là nỗi niềm của nhiều người lao động, sinh viên xa quê hiện nay. Hai chị em Thu Vân tại TP.HCM đã mua vé tàu về Quảng Ngãi ngày 28 Tết Âm lịch và hoảng hồn khi giá vé tăng vọt. Cùng loại vé ngồi mềm nhưng năm nay lên mức 1,7 triệu đồng/người/lượt trong khi tết năm trước là 1 triệu đồng/lượt. "Hai chị em, người mới ra trường chưa có việc, mình thì công ty vừa thông báo sẽ không thưởng tết vì hầu như không có lời. Phải bấm bụng về quê vì ba má trông mong. Vé tàu lại tăng cao quá nên đang chờ xem mua vé vào lại thành phố thì đi xe đò cho đỡ tốn tiền. Tết này chắc cũng không sắm sửa gì nhiều vì nếu không có thưởng thì không dư…", Thu Vân tâm sự.
Thậm chí, nhiều người lao động còn phải đối diện tình trạng dễ dàng mất việc khi nhiều doanh nghiệp (DN) không thể cầm cự. Chẳng hạn từ ngày 15.11, Công ty CP đầu tư PVR Hà Nội ban hành quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong thời gian 1 năm vì bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến sang năm 2024, công ty vẫn chưa có kinh phí để hoạt động. Công ty CP Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) đã ra thông báo cho toàn thể cán bộ, nhân viên tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26.11.2023 cho đến khi công ty có thông báo mới. Lý do là nguồn tài chính công ty hiện tại vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả lương… Trước đó, với lý do khó khăn về đơn hàng, nhiều DN tại TP.HCM đã mạnh tay cắt giảm hàng ngàn lao động, như Công ty TNHH Pouyuen VN đã cho hơn 9.000 lao động nghỉ việc; Công ty Garmex Sài Gòn giảm gần 2.000 người...
Các DN sản xuất cũng lâm vào tình trạng khó khăn. Báo cáo hoạt động kinh doanh của Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công cho biết thông thường quý 4 là mùa chuẩn bị cho lễ hội và tết, nhưng năm nay nhu cầu mua sắm và đơn hàng chậm so với những năm trước do tình hình kinh tế vẫn khó khăn và phục hồi chậm. Hiện công ty chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm. Tương tự, ông Lâm An Dậu, Tổng giám đốc Công ty giấy Vĩnh Tiến, chia sẻ từ đầu năm đến nay doanh thu lao dốc hơn 30% và lợi nhuận giảm mạnh hơn, có nhiều tháng công ty cũng phải cho nhân viên thay nhau nghỉ việc vì không đủ đơn hàng. Số công nhân nghỉ được nhận 70% lương.
Quy định thuế lạc hậu, nhiều lỗ hổng
Mặc dù giảm nhưng số thu thuế TNCN hiện nay vẫn cao gấp 3,2 lần so với năm 2013. Năm 2013, số thu thuế TNCN đạt 46.458 tỉ đồng thì đến năm 2022, ngành thuế ghi nhận số thu thuế TNCN ở mức kỷ lục, vào khoảng 153.258 tỉ đồng, tăng 24,6% so với năm 2021. Tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của sắc thuế này ngày càng tăng cao, chiếm khoảng 10,5% tổng thu do ngành thuế quản lý và tương đương 11% tổng thu nội địa của ngành này.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhận xét: Thời điểm ban hành và thực hiện Pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao, số thu thuế chỉ chiếm 0,5 - 1% tổng thu ngân sách nhà nước. Thế nhưng từ khi áp dụng luật Thuế TNCN đến nay, sắc thuế này đóng góp số thu cho ngân sách ngày càng cao do những quy định còn lạc hậu, chưa theo kịp sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đến 3 quý năm 2023, số thu thuế TNCN giảm so với cùng kỳ năm ngoái, theo ông Tú, có một số nguyên nhân cụ thể.
"Trong số thu thuế TNCN, nguồn thu từ người làm công ăn lương chiếm hơn 70%. Thuế giảm chứng tỏ thu nhập của người lao động cũng sụt giảm. Điều này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh kinh tế khó khăn từ đầu năm đến nay. Nhiều DN khó khăn phải đóng cửa hay tiết giảm chi phí, trong đó có tiền công, tiền lương đối với người lao động. Tình trạng này không những DN trong nước mà ngay cả DN đầu tư nước ngoài cũng vậy, họ cũng thực hiện cắt giảm các chi phí", ông Tú nhận định và cho biết thêm số thu thuế TNCN sụt giảm còn đến từ hộ kinh doanh, tiểu thương do làm ăn kinh doanh ngày càng khó khăn, sức mua thị trường đi xuống cũng khiến họ ngưng nghỉ, đóng cửa nhiều. Ngoài ra, thuế TNCN còn có sự đóng góp từ lĩnh vực bất động sản (thuế suất thuế TNCN 2% trên giá bán), chứng khoán (thuế suất 0,1% trên giá bán) nhưng cả hai thị trường này đều ảm đạm, giảm thanh khoản thì phần đóng góp thuế cũng giảm đi.
Ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến số thu sụt giảm, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng còn có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý thuế. Trong một vài năm trở lại đây, kinh tế tăng trưởng dương nên số thu thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng tăng lên là đương nhiên. Thế nhưng khi kinh tế tăng trưởng dương mà số thu thuế lại giảm thì cần phải xem lại. Cụ thể, trong thuế TNCN có 10 nguồn thu tính thuế nhưng đóng góp lớn nhất vẫn đến từ tiền công, tiền lương của người lao động, chiếm tỷ trọng hơn 70%. Đáng nói, tình trạng lạc hậu của chính sách thuế này đã được đề cập rất nhiều nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) 11 triệu đồng/người/tháng đối với người đóng thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc; điều kiện xem xét người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc, hay mức thu nhập vãng lai 2 triệu đồng phải khấu trừ thuế 10%... đều hết sức lạc hậu, thậm chí vô lý. Ngay quy định mức GTGC cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, "thử hỏi những người có con đi học trường dân lập sao có thể đủ tiền đóng học phí", ông Tú nêu và phân tích thêm: Trong 10 nguồn thu thì tiền công, tiền lương thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn là cách dễ thực hiện nhất, trong khi đó các nguồn thu khác vẫn chưa thể kiểm soát được.
Chẳng hạn như thuế khoán trên doanh thu đối với hộ kinh doanh. Theo Bộ KH-ĐT, số hộ kinh doanh hiện nay trên cả nước là 5 triệu, thế nhưng số hộ mà cơ quan thuế đang quản lý hiện nay chỉ hơn 2 triệu hộ. Hơn nữa, doanh thu của hộ kinh doanh không sát với thực tế nên thuế khoán sẽ không đúng. Đặc biệt một số lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, vận tải, xăng dầu… là những đơn vị có quy mô hoạt động lớn nhưng vẫn thực hiện khoán thuế dẫn đến đóng thuế thấp. Ngoài ra, một số đối tượng hoạt động tự do như ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu, phòng khám y tế, kinh tế ban đêm, kinh doanh online, thương mại điện tử… vẫn chưa kiểm soát được. Do đó, cần có phương pháp quản lý thuế những đối tượng này để phần nào không gây áp lực lên nguồn thu từ tiền công, tiền lương, tạo công bằng cho các đối tượng nộp thuế.
Tăng mức giảm trừ lên 20 triệu đồng/người/tháng
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú, những bất cập nói trên cần được sửa đổi càng nhanh càng tốt. Trước mắt, để giải quyết nhanh chỉ cần tăng mức GTGC cho người nộp thuế lên 20 triệu đồng/người/tháng, người phụ thuộc lên 10 triệu đồng/người/tháng là cơ bản giải quyết phần nào bất cập.
"Điều chỉnh này chỉ cần một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có thể triển khai ngay. Sự thay đổi này sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, người tiêu dùng có thu nhập tăng thêm sức mua, từ đó DN khôi phục sản xuất kinh doanh trong nước. Cần có những chính sách khoan sức dân trong giai đoạn này mới có thể thúc đẩy được kinh tế tăng trưởng", ông Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh.
Tương tự, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, dẫn chứng: Theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Con số này cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo luật Thuế TNCN). Như vậy, thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, luật Thuế TNCN được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức GTGC cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.
Ngoài ra, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần. Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây, người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức GTGC ít nhất phải được nâng lên tương ứng. Việc giữ quy định về thuế TNCN sau nhiều năm khiến các gia đình thu không đủ chi nhưng vẫn phải đóng thuế. Hay việc các bậc thuế TNCN quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên vài trăm ngàn, thì người làm công ăn lương có thể phải đóng thuế nhiều hơn.
Theo luật sư Trần Xoa, những quy định bất hợp lý trong luật Thuế TNCN đã được nhiều chuyên gia phân tích và các bộ, ngành cũng thừa nhận. Chính vì vậy, luật Thuế TNCN cần được chỉnh sửa càng sớm càng tốt để hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo công bằng và hỗ trợ nhiều gia đình trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong trường hợp không kịp sửa đổi toàn diện thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có nghị quyết sửa đổi, trước hết là nâng mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc.
Cụ thể, luật sư Trần Xoa cho rằng theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật Thuế TNCN năm 2007 trước khi thông qua luật, cơ sở tính mức GTGC đưa ra 4 triệu đồng/người/tháng là gấp trên 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người vào năm 2009 (khoảng 1,5 triệu đồng/tháng). Như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành công bố ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương gần 8 triệu đồng/người/tháng và nhân với hệ số 2,5 lần thì mức GTGC cho người nộp thuế lên 20 triệu đồng/tháng. Từ đó cũng sẽ tính ra được mức GTGC cho người phụ thuộc. Đồng thời, xem xét giảm bậc thuế từ 7 xuống còn 4 bậc gồm các thuế suất từ 5%, 10%, 20% và 30%.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh, bổ sung các khoản không chịu thuế
Mức 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc là chưa đủ để đảm bảo cho nhiều gia đình trong sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, biểu thuế lũy tiến 7 bậc không còn phù hợp. Bởi lẽ, đây là biểu thuế đánh vào thu nhập từ tiền lương, nhưng mức thuế suất cao nhất trong biểu này lại cao gần gấp đôi so với thuế thu nhập DN. Điều này khiến gánh nặng thuế đối với người làm công ăn lương ngày càng tăng. Do đó, biểu thuế 7 bậc nên giảm số bậc lũy tiến xuống ít nhất có thể (từ 3 tới 5 bậc), hạ thuế suất để giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương và chuyển trọng tâm sang việc xác định ngưỡng thu nhập chịu thuế cho từng bậc. Trong khi chờ luật Thuế TNCN được bổ sung, sửa đổi một cách toàn diện, Chính phủ có thể ban hành các quy định tạm chưa thu thuế TNCN với các khoản lợi ích cho cá nhân người làm công ăn lương được hưởng do người thuê lao động chi trả (sức khỏe, du lịch, bảo hiểm y tế…); bổ sung các khoản không chịu thuế hay các khoản được trừ khi tính thuế TNCN. Những thay đổi này sẽ được bổ sung cùng với các điều chỉnh gồm nâng mức khấu trừ chịu thuế, nâng khoản khấu trừ cho người phụ thuộc, giảm bớt các mức tính thuế…
Luật sư Châu Huy Quang (điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT)
Kiến nghị giảm trừ gia cảnh bằng 4 - 5 lần lương tối thiểu
Chính vì quy định một con số cụ thể trong mức GTGC nên dẫn đến sự lạc hậu mà luật thì không thể thay đổi hằng năm. Vì thế, mức GTGC có thể quy định 4 - 5 lần lương tối thiểu. Lương tối thiểu được Chính phủ ban hành hằng năm nên dựa vào đây để tính mức GTGC là phù hợp. Hơn nữa, mức lương tối thiểu được phân theo khu vực nên khi quy đổi ra mức GTGC theo từng khu vực cũng sẽ phù hợp hơn. Chẳng hạn, lương tối thiểu tại TP.HCM hiện nay (vùng 1) là 4,68 triệu đồng/tháng, thì phần GTGC cho người nộp thuế vào khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đối với người phụ thuộc hiện nay chiếm 40% mức GTGC của người nộp thuế nên số tiền được trừ vào khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đối với những người ở vùng miền núi, có mức lương tối thiểu thấp hơn, chi tiêu thấp hơn thì mức GTGC thấp hơn cũng là hợp lý.
Về lâu dài khi sửa luật Thuế TNCN, cần cho trừ chi phí quan trọng của người nộp thuế như trả tiền góp vay mua căn nhà đầu tiên, chi phí học hành, chữa bệnh… Đây là những chi phí thiết yếu, cơ bản nhất của con người, đồng thời cũng cần được đầu tư tái tạo sức lao động, khuyến khích cá nhân lấy hóa đơn khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa - Hiệp hội DN TP.HCM)
58% lao động sản xuất bị giảm thu nhập từ 30 - 50%
Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 do Navigos Group công bố đầu tháng 8.2023 cho thấy 91% DN thuộc nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng ghi nhận doanh thu giảm; con số này ở nhóm dệt may, da giày là 44%; tỷ lệ DN tự động hóa, ôtô, dược phẩm, công nghệ sinh học, sản phẩm công nghiệp sụt giảm doanh thu dao động từ 22 - 37%... Một bộ phận DN sẽ chọn thu hẹp quy mô sản xuất với hình thức đóng cửa nhà máy, giảm dây chuyền, bớt giờ làm và cắt giảm lao động. Khó khăn của DN kéo theo thu nhập của lao động giảm mạnh. Theo thống kê, 58% lao động ngành sản xuất bị giảm thu nhập 30 - 50%, 34% bị giảm 10% và cá biệt có 2% lao động bị giảm nhiều hơn 50% tổng lương. Bên cạnh giảm lương, người lao động cũng mất thu nhập từ nguồn tăng ca, không được nhận các khoản trợ cấp như thường lệ. Để ứng phó khó khăn, 60% lao động chọn phương án cắt giảm chi phí sinh hoạt, 37% tìm việc làm thêm từ bên ngoài và 3% tăng ca nhiều hơn khi có cơ hội.